Hotline: 0984.291.286
0963.813.288
0

Hương sắc chè La Bằng

Đăng ngày: 23-04-2021, 5:53 pm

Nằm ở chân núi Tam Ðảo, xã La Bằng (Ðại Từ - Thái Nguyên) có hơn 300 ha chè, trong đó có hơn 200 ha chè đang cho thu hái. Với năng suất đạt 93 tạ/ha, sản lượng chè trung bình hằng năm ở La Bằng đạt gần 1.900 tấn búp tươi, tương đương gần 400 tấn sản phẩm chè khô. Và như thế, mỗi năm cây chè mang lại cho gần 900 hộ nông dân của 10 xóm thuộc xã La Bằng số tiền hơn 55 tỷ đồng, góp phần làm nên một nét đẹp văn hóa của người Việt

Là một điểm đến trong tua du lịch tại Liên hoan Trà Quốc tế lần thứ nhất - Thái Nguyên, Việt Nam 2011 (tổ chức từ ngày 12 đến 15-11-2011), những ngày này cuộc sống ở La Bằng như sôi động, khẩn trương hơn và lòng người cũng thêm phần hân hoan trước một sự kiện kinh tế - văn hóa. Ba cửa ngõ vào trung tâm xã là La Lạc, Dốc Mon, Non Vẹo đã được trai tráng trong làng dựng lên ba cổng chào để chào đón du khách. Chủ tịch Hội Nông dân xã, ông Lương Văn Minh, cho tôi biết: "Xã La Bằng có mười xóm, cả mười xóm đều được tỉnh công nhận là làng nghề sản xuất chế biến chè. Trong thời gian diễn ra Liên hoan, bà con mười xóm sẽ đều trưng biển giới thiệu sản phẩm chè của làng mình".
Theo mỗi trục đường về các xóm ngõ, nơi nào chúng tôi cũng thấy thoảng thơm vị chè lên hương. Bên ấm trà sóng sánh xanh, ông Vũ Ngọc Vĩnh ở xóm Ðồng Tiến tâm sự: "Lần đầu tiên bà con được đón tiếp khách trong nước, khách quốc tế đến thăm. Gia đình tôi đã chuẩn bị những ấm chè ngon nhất để đãi đằng và bán, nếu du khách có nhu cầu. Với người dân xã La Bằng đây là cơ hội tốt để quảng bá thương hiệu, nhưng không vì thế lại tranh thủ phóng đại chất lượng sản phẩm, "hữu xạ tự nhiên hương" mà anh!". Và dù mọi người đang tíu tít lên hương chè, chủ nhà vẫn mời chúng tôi vào uống thử. Hộp chè vừa hé, đã cảm nhận được mùi cốm non lan tỏa, từng cánh chè roong roong rơi vào ấm, và lúc rót nước sôi, mùi thơm của chè như đặc quánh trong không gian, quyến rũ. Ông Vĩnh cho biết: "Nhà có bốn sào chè, nhờ đất tốt, thuận nước tưới nên năng suất chè đạt 18 kg chè búp khô/sào/lứa. Mỗi năm tôi thu hoạch được gần sáu tạ chè búp khô, trừ chi phí đầu tư, mỗi năm lãi hơn 60 triệu đồng". Bên bàn trà ấm cúng, được nghe bà con ở xã La Bằng kể chuyện làm chè, tôi đã bị hấp dẫn bởi sự thăng trầm của loại cây hái lá lấy tiền này.
Chè La Bằng mới tạo được thương hiệu từ khoảng năm năm nay. Thương hiệu có được là do người dân trong xã cùng quyết tâm làm, không sử dụng các hóa chất độc hại, khi thu hái, chế biến phải giữ gìn vệ sinh không đổ bừa bãi... Bên chén trà sóng sánh xanh, chúng tôi biết thêm là trên khu đất thuộc đèo Khế, núi Ðiệng của xã hiện còn có bãi chè cổ thụ, nhiều cây có đường kính rộng tới 50 cm. Mới đây, người dân trong xã còn phát hiện trên đó có bãi chè ra búp đỏ, hái về hãm nước chè xanh uống rất ngon. Hỏi gốc tích, lai lịch cây chè trên vùng đất La Bằng, các cụ cao tuổi cũng chỉ đưa ra giả định là hàng trăm năm trước, chim muông tha hạt chè về đây, thả xuống đất, hạt chè nảy thành cây. Người dân địa phương đi rừng lấy gỗ, săn thú cũng chỉ hái lá về đun uống. Ðến đầu thế kỷ 20, cụ Khuông cho người lên rừng lấy hạt chè về trồng ở gò Treo Trống. Ðến những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, theo tiếng gọi của Ðảng, bà con từ Bình Lục (Hà Nam) lên đây khai phá đất trồng chè. Nông dân trồng chè nhưng hằng tháng xếp hàng nhận gạo Nhà nước trợ cấp. Quan điểm "ăn để trồng chè" chưa tính toán khi có chè thu hái thì bán cho ai. Vì thế mà có dạo vùng đất này, nhà nào cũng rất nhiều chè, nhưng tiền đong gạo lại chẳng có. Giờ thì càng làm ra nhiều chè càng tốt, cuộc sống cứ theo đó mà đi lên.
 
Để đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường, đồng thời giúp bà con chuyển sản phẩm theo hướng sản xuất hàng hóa, với số lượng lớn, năm 2006, xã La Bằng đã thành lập HTX, giao cho chị Nguyễn Thị Hải điều hành quản lý. Thông thường, các hộ làm chè trong xã chỉ bán ra thị trường được từ 140 - 150 nghìn đồng/kg chè búp khô nhưng sản phẩm do HTX chế biến, lên hương, đóng gói đã bán được với giá từ 250 - 300 nghìn đồng/kg. Lợi ích lớn hơn khi người nông dân tham gia HTX là họ đã thay đổi được cách nghĩ, cách làm. Từ chỗ manh mún, tự phát, mạnh ai nấy làm, khi tham gia HTX, các xã viên đã ý thức được xu thế tất yếu là phải hợp tác sản xuất và phải tạo ra sản phẩm sạch. Hơn 6 năm ra đời, hoạt động ngày càng hiệu quả, HTX chè La Bằng đã trở thành mô hình điểm trong việc hình thành các tổ đội hợp tác sản xuất tại xã La Bằng. Đến nay, ở hầu hết các xóm của xã đều có các đội hợp tác, tổ đổi công tự nguyện. Theo chị Nguyễn Thị Hải, Chủ nhiệm HTX chè La Bằng: Những tổ hợp tác tạo ra tính đoàn kết, thi đua sôi nổi giữa các thôn, xóm; các tổ, đội. Người dân tự so sánh kết quả thi đua bằng chính giá trị của mỗi sản phẩm chè do các tổ, đội làm ra. Để có một sản phẩm sạch, an toàn, năng suất, chất lượng cao, chị Hải cùng tập thể, lãnh đạo HTX dành nhiều thời gian đầu tư học hỏi kinh nghiệm ở nhiều địa phương khác nhau; phối hợp với các hội đoàn thể, tăng cường mở các lớp tập huấn kỹ thuật trồng chè, cách chăm sóc, cách nhận biết sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng quy trình cho nông dân. HTX cử cán bộ phối hợp với đại diện các xóm giám sát và theo dõi quá trình sản xuất chè của bà con, với cách làm này đã góp phần quan trọng vào nâng cao sản lượng, chất lượng cho cây chè La Bằng.
Chị Nguyễn Thị Hải cho biết: Sản phẩm chè của La Bằng hiện nay có hương thơm vị đậm đặc trưng, nhưng để cạnh tranh với thị trường, HTX vẫn liên tục phải đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, giữ vững quy trình sản xuất, cải tiến các mẫu mã bao bì phong phú tạo ấn tượng, phù hợp với thị hiếu cho từng đối tượng khách hàng. 
Để khuyến khích người trồng chè tích cực sản xuất và làm ra nhiều sản phẩm có chất lượng cao, HTX chè La Bằng đã ký hợp đồng thu mua chè cao hơn giá thị trường với các hộ tham gia tập huấn và cam kết tuân thủ các quy trình trồng chè sạch, an toàn. Hiện nay, mỗi tháng HTX tiêu thụ gần 3,5 – 4 tấn chè sạch, an toàn. Sản phẩm chè La Bằng đã từng giành 2 Huy chương về chất lượng chè ngon và 1 giải Bàn tay bạc về kỹ thuật sao chế.
Có sự hậu thuẫn của HTX về đầu ra, có thu nhập ổn định từ cây chè, mấy năm trở lại đây, các hộ trồng chè La Bằng an tâm, phấn khởi sản xuất, mạnh dạn đầu tư, góp vốn lên tới vài tỉ đồng để mở rộng diện tích trồng chè, chuyển đổi giống và làm hệ thống đưa nước từ lưng chừng núi về phục vụ tưới cho cây chè.
Chợ chè La Bằng họp 12 phiên một tháng. Trung bình mỗi phiên có từ bảy đến mười xe ô-tô tải từ các nơi về nhập chè. Chợ chè La Bằng còn có cả chè ở nơi khác mang đến bày bán, nên giá cả cũng khác nhau. Ông Ðỗ Xuân Thìn, Trưởng xóm Kẹm cho biết: Người đi buôn chè rất rành, chỉ nhìn mầu nước trà, ngửi hương trà là họ phân biệt chính xác từng loại chè ở những đâu mang đến, thậm chí họ còn biết được đâu là chè chăm bón bằng phân chuồng, phân hóa học hoặc chè bị quá lửa khi chế biến. Thế mới hay là chẳng có cách quảng cáo nào tốt hơn bằng cách làm chè thật sự có chất lượng. Ðã chạng vạng về chiều, trên những trục đường về ngõ xóm, chúng tôi gặp các cô bác nông dân, những chàng trai cô gái tất bật với gánh chè nặng vai. Ngay sau bữa cơm chiều là bếp lò của dân vùng chè lại lên lửa, máy sao, máy vò chè lặp lại từng vòng quay, đều đặn. Và chè lại lặng lẽ tỏa hương, đem đến cho cuộc đời những gì tinh túy nhất. Với Liên hoan Trà sắp tới, người dân La Bằng lại có dịp được tỏ lòng hiếu khách qua sản phẩm chè do đôi tay mình làm ra. Và cũng từ đây, một nét đẹp của văn hóa dân tộc lại có dịp lan tỏa đến mọi miền.

 

 

Copyright 2021 © Chethai.com.vn; all rights reserved.
Tên doanh nghiệp: Hợp tác xã Chè La Bằng
Địa chỉ: Xóm Rừng Vần, xã La Bằng, huyện Đại Từ, Thái Nguyên
GPĐKKD số 4600648230 do Phòng Kế hoạch-tài chính huyện Đại Từ cấp lần 1 ngày 6/12/2006 đăng ký thay đổi lần 5 ngày 6/3/2021
Email: htxchelabang@gmail.com - SĐT: 0984591897

tel zalo